
Mù Cang Chải những ngày thong dong
Mù Cang Chải những ngày thong dong
Cả miền nhớ thương gói trong hương lúa
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương
Thức dậy bởi tiếng tin nhắn điện thoại. Ngó qua cửa sổ, thấy sân thượng đã đầy nắng và có cô gái nọ đang ngồi mơ màng bên trên cửa kính nắp giếng trời. À, hóa ra đang ở nhà. Mới sớm qua còn thức dậy ở một miền xa lạ, mở mắt ra là bao la của núi non đại ngàn, là róc rách tiếng suối luồn lách chạm vào mỏm đá, là lảnh lót tiếng chim chuyền cành gọi bạn tình. Ấy vậy mà giờ tôi đã ở Hà Nội, toàn thân đau ê ẩm, bụng đói cồn cào, kể ra có thể ví với cái thể trạng của Chí Phèo sau mỗi cơn say trong hơi men. Thế nhưng cảm xúc sau chuyến đi bụi ba ngày vẫn còn “nóng” nguyên và phảng phất đâu đây là mùi thơm của ly rượu táo mèo và gói cốm non ở Tú Lệ, mà mỗi lần nhớ lại tôi lại thấy thèm cảm giác ấy như người ta thèm cháo hành sau trận ốm thập tử nhất sinh.
Chuyến đi được quyết định hoàn toàn bất ngờ, nhanh đến độ sáng mới gặp mặt nhau trên Phố Cổ, chiều tôi đã chạy xe về phòng để sắp đồ. Vì cứ được đi là thích rồi, chẳng có gì phải chần chừ, tôi gật đầu ngay tắp lự.
Tú Lệ – miền đất khiến ta yêu từ cái tên, tiếng gọi
Chưa cần biết cảnh đẹp ra sao nhưng chỉ mới nghe tên là tôi đã phải lòng vùng đất này rồi. Tú Lệ bốn bề là lúa, này là lúa non vẫn còn xanh mơn, này là lúa trổ đòng chín vàng ruộm cả một vùng. Chẳng phải vô cớ mà người ta vẫn thầm thì rủ rỉ tai nhau “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”. Ai đã một lần ghé thăm hẳn sẽ không quên mang về một ít cốm nếp để nhấm nháp vị ngọt thanh của mầm gạo và hít hà mùi thơm lúa mới.


Khau Phạ (Sừng Trời) hiên ngang giữa đất trời
Không hổ danh là một trong Tứ đại đường đèo, Khau Phạ hiện lên hùng vĩ và kiêu hãnh đến nỗi có thể đánh gục trái tim của bất kì người khách lữ hành nào khi vừa đặt chân tới. Đoạn đường đèo dốc và ngoằn ngoèo, lại thêm sương giăng phủ trắng tầm nhìn nên tôi – tay lái còn yếu nghiễm nhiên không được cầm lái. Không được trải nghiệm cảm giác tự tay đổ đèo nhưng thay vào đó, tôi được thưởng thức trọn vẹn cảnh sắc xung quanh trên suốt quãng đường. Mấy câu hát chợt hiện lên trong đầu lúc nào không hay: “Người từ miền xuôi lên. Thử làm bạn với núi cao. Liêu xiêu bên vách đá chân chưa quen vượt đèo”

Đứng trên vọng gác trên đèo mà rọi mắt xuống mới thấy hỡi ôi sao Tổ quốc mình đẹp thế. Lòng tự hứa sẽ dành thêm nhiều khoảng thời gian “rong chơi” để khám phá thêm cái đẹp và cái chất riêng của mỗi mảnh hình hài đất nước.

Những cú xòe ở La Pán Tấn
Giờ tôi mới thấm, những con đường đá gồ ghề mình từng đi trước đây chẳng nhằm nhò gì so với đoạn đường này. Càng đi càng thấy cheo leo, càng đi càng thấy gập ghềnh, nhưng thói đời cái gì càng khó người ta càng muốn chinh phục. Tôi hào hứng bám theo xe các anh chị, đến đoạn cua gấp, không kịp bẻ lái nên tôi đã xòe đầu tiên. Nhờ có giáp bảo hộ nên tôi không bị đau hay xước xát, chỉ có cái xe là nằm chỏng chơ giữa đường.

Chúng tôi tiếp tục đi, lên mãi lên mãi, để rồi nhận ra sự hùng vĩ của thiên nhiên quả là vô tận. Và có lẽ đây là lí do những tay thợ săn ảnh chẳng ngại hiểm trở để tìm cho ra cái thứ “vàng mười” của Tây Bắc.

Tách trà nóng và vốc cốm thơm
Trong lúc chờ sửa xe, tôi và chị Mai Thanh đi vào một cửa hàng tạp hóa bên dưới bãi đất để xin nước. Gọi là cửa hàng tạp hóa chứ thực chất là căn nhà nhỏ có cái sạp hàng phía trước, bày biện đủ thứ bánh kẹo sắc màu. Gã chủ nhà đang say giấc, nghe tiếng chúng tôi gọi gã uể oải vươn mình dậy. Gã nói tiếng Kinh khá sõi nên không khó để bắt chuyện. Chúng tôi mua một chiếc bánh mì 5.000 VND và xin chút nước uống. Chị Mai Thanh ngỏ ý muốn xin một ly nước nóng pha trà, mà nhà hắn thì chẳng có cái ly nào có thể xin mang đi luôn, nên tôi bèn mượn hắn cái ly thủy tinh, rồi quay về phía hắn nói với “Cho mượn tí trả nhé”. Hắn gật.

Ly trà Earl Grey bắt đầu đậm hương, vị thanh của trà quyện với vị bùi của cốm mới, tiếng nhạc giữa mênh mông núi rừng khiến tôi ước giá như có thể ở lại đây đến sáng hôm sau, ngủ lại khách sạn ngàn sao và lim dim trong âm hưởng trầm bổng của Hotel California.
Mâm xôi – Hòn ngọc xanh trong giữa lòng Mù Căng Chải
Băng qua mấy đoạn đường nữa chúng tôi tới Mâm xôi – nơi mà bất kì ai đặt chân đến La Pán Tẩn cũng không thể bỏ qua. Anh Nam nói đến mùa nước đổ, ở đây nước kín mặt ruộng, lóng lánh như gương.

Đoạn tới Mâm xôi, cảnh sắc quá đẹp khiến ai cũng phải xuýt xoa. Tôi được giao làm hoa tiêu, chạy xuống để dò đường. Nói là chạy chứ thực chất là cả người tôi lao theo quán tính vì đoạn đường quá dốc. Ví thử ở đó mà có cái vực nào cắt ngang đường thì chắc tôi cũng lao cả người xuống mất. May sao con đường đó dẫn ra đường lớn. Cuối cùng chúng tôi cũng xuống được đường chính đến trung tâm thị trấn Mù Căng Chải.
Hoàng hôn từ vọng gác
Trời xế chiều, tôi ngửi thấy hơi sương lành lạnh. Đi về phía vọng gác và leo lên đỉnh đồi. Mất 10.000 VND / lượt gồm gửi xe và vé vào vọng gác. Thật tình họ làm kinh tế giỏi thật, trên đỉnh đồi nhỏ, đặt cái chòi con con là thành vọng gác. Tôi hỏi cô bé nhà ở đó, mỗi ngày cũng gần trăm lượt khách ghé thăm, chẳng cần bỏ đồng vốn nào mà kiếm ngót nghét cũng được dăm bảy trăm ngàn, lời hơn dân buôn bán.

Sớm hôm sau, chúng tôi lên đường trở về Hà Nội.
Bếp lửa, khe suối và gia đình em bé bên cái lán ở Khau Phạ
Cách nói chuyện của người dân tộc mộc mạc như tính cách họ vậy. Chẳng có chủ ngữ, chẳng cần xưng hô, cứ thế mà nói thôi. Lúc đầu tôi còn hơi gượng khi phải bỏ hết nhân xưng trong câu, nhưng riết rồi quen. “Ngô này bán nhiêu? 10 nghìn 5 bắp à. Sao đắt thế, ngô bé xíu không hà, lại thưa hạt nữa. 6 bắp nhé?” – “Ừ”. Đó, cuộc hội thoại vỏn vẹn nhiêu đó và tôi ẵm 6 bắp ngô tí hon và một túi lạc luộc qua cái lán bên, không quên xin thêm một ít nước ngô uống cho ấm bụng. Có bắp hạt đều tròn chằn chặn, có bắp thì lèo tèo vài hạt, ấy vậy mà tất cả đều ngọt. Vị ngọt nguyên sơ và “thật”, không giống với mấy bắp ngô bự chảng hay mua ở thành phố.

Tôi bỗng nhớ đến “Khúc hát ru những em bé nằm trên lưng mẹ”:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trong nôi”
Tạm biệt với gia đình người Mông ở Khau Phạ, chúng tôi tiếp tục hành trình trở về Hà Nội.
Những khung cảnh quen thuộc dần xuất hiện như một thước phim và đang được tua lại từng chút từng chút thật tài tình bởi một tay thợ máy tài ba. Chắc hẳn hắn phải là kẻ yêu thiên nhiên, yêu cái hoang sơ hùng vĩ của Tây Bắc lắm mới có thể tạo nên thước phim diệu kì đến vậy.
“Tây Bắc ơi có riêng gì Tây Bắc
Chúng ta hẹn nhau mùa vàng tháng tới!”